CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ KIỂM ĐỊNH ĐÁ QUÝ

Hiện nay, ngày kinh doanh Đá Quý nở rộ, kéo theo đó là các ngành phụ trợ cũng tăng theo để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một trong những ngành gắn liền mật thiết với ngành nghề này đó là Kiểm Định Đá Quý.

Nhưng trong vấn đề này, có nhiều việc mà với vai trò là một người khách hàng các bạn sẽ không bao giờ biết được cũng như được biết. Vậy các vấn đề đó là gì, tôi sẽ chia sẻ với các bạn phần nào trong bài viết này, cũng như giải đáp phần nào thắc mắc của nhiều bạn.


1. Kiểm định luôn luôn Đúng

Trên đời này, có một thứ tuyệt đối là không có gì tuyệt đối cả, và kiểm định Đá Quý cũng vậy. Không phải kiểm định nào cũng chính xác 100%, vì thế cho nên trong nhiều trường hợp phải kiểm định độc lập ở nhiều trung tâm – đơn vị khác nhau ở trong cũng như ngoài nước.

2. Kiểm định ở các đơn vị/trung tâm Kiểm định đều cho kết quả giống nhau

Câu trả lời cho câu hỏi này đã nằm 1 phần ở câu trên, đó là Không. Tùy thuộc vào khả năng, trình độ, trang thiết bị… và đôi khi là một chút đạo đức nghề nghiệp (*).

3. Kiểm Định có thể mua được

Hiện nay, rất nhiều nơi bán Đá Quý kể cả đá giả, đá không tự nhiên nhưng vẫn trưng giấy kiểm định Đá Quý Thiên Nhiên cho khách hàng, một số việc bị phát hiện dẫn tới việc khách hàng dần nghi ngờ các trung tâm kiểm định và cho rằng Giấy kiểm định có thể mua được. Việc này tôi khẳng định là không. Không có Trung tâm kiểm định nào bán cho bạn tờ giấy này với giá từ 200.000-300.000Đ cả (nhưng nếu vài tỷ có thể sẽ suy nghĩ).

Nhưng sự việc trên giải thích bằng cách nào, theo tôi có 2 nguyên nhân:

  • Trung tâm kiểm định với trình độ, khả năng có hạn. Không đưa ra kết luận đúng tại thời điểm kiểm định, phần 5 ở dưới sẽ giải thích giúp bạn rõ hơn việc này (để hạn chế việc này, bạn có thể kiểm định tại nhiều trung tâm).
  • Các đơn vị Kinh doanh dùng cách thức Mẹ bồng con. Tức là kiểm định 1 sản phẩm thật và dùng Chứng thư kiểm định thật đó sao chép thành nhiều bản khác nhau để bán các sản phẩm tương tự.

4. Chỉ cần sản phẩm có niêm phong của TTKĐ là đủ

Đây cũng là một mánh khóe của các đơn vị kinh doanh Đá Quý từ lâu nay. Khi kiểm định Đá Quý, các bạn sẽ có 2 phần không thể tách rời nhau nhưng nó lại tách rời nhau.

  • Một là sản phẩm có thể hoặc không được niêm phong (tùy yêu cầu). Tại đây thông tin sản phẩm sẽ được ghi vắn tắt, thông thường bao gồm: Tên loại Đá, trọng lượng, kích thước, mã kiểm định.
  • Còn lại là tờ giấy chứng thư (đây mới là phần quan trọng) sẽ ghi đầy đủ các thông tin sản phẩm được Kiểm định bao gồm: tên loại Đá, mã kiểm định, trọng lượng, kích thước, mô tả (hình dạng, kiểu cắt mài – chế tác, màu sắc, độ trong suốt…), các phương pháp – thiết bị kiểm định, ghi chú, kết luận giám định, người giám định…

5. Giấy kiểm định – Chứng thư kiểm định có giá trị suốt đời

Trước khi nói về vấn đề này, tôi phải thêm lý do. Ở VN hiện nay, nếu 1 sản phẩm đã có Giấy kiểm định kèm niêm phong của TTKĐ thì mặc nhiên sản phẩm đó sẽ có giá trị đảm bảo suốt đời tương ứng với giá trị sản phẩm đã được xác nhận bởi trung tâm Kiểm định Đá Quý.

Việc này là SAI HOÀN TOÀN, không chỉ là khách hàng mà kể cả những người làm việc trong ngành Kinh doanh Đá Quý nhiều năm.

Bạn hãy tưởng tượng, kiểm định Đá Quý cũng như các trình duyệt virus trên máy tính vậy, đều phải thường xuyên update các chủng loại mã độc thì mới phát hiện được chính xác (các mã độc trên máy tính được tạo ra hàng ngày cũng như các phương pháp xử lý, nâng cao chất lượng Đá Quý cũng ngày được cải tiến và nâng cấp từng ngày nhằm qua mặt các trung tâm kiểm định). Vậy cho nên, rất là bình thường nếu cùng 1 viên Đá mà kết quả kiểm định cách đây 5 năm và bây giờ không giống nhau.

6. Trung tâm Kiểm định hay Giấy Kiểm định Đá Quý xác nhận giá trị sản phẩm

Điều này hoàn toàn không đúng. Chức năng của TT Kiểm định – Giám định chỉ là xác định và đưa ra kết luận về mặt Khoa học các sản phẩm được đưa đi kiểm định, như: Đá gì? Đá tự nhiên / Tự nhiên đã qua xử lý (xử lý bằng phương pháp gì?) hay Đá nhân tạo? Thành phần cấu trúc? Một số trung tâm còn có cả chức năng Giám định Vàng thì có thêm: Hàm lượng Vàng? Thành phần Vàng…

Kết quả Kiểm định – Giám định Đá Quý chỉ là phương pháp bổ sung nhằm XÁC ĐỊNH LẠI CHẮC CHẮN giá trị sản phẩm để từ đó người bán – người mua đưa ra giá trị chính xác theo mong muốn. Không có một trung tâm kiểm định nào có thể đưa ra giá trị (kể cả tương đối) trừ Kim Cương và Vàng với 1 sản phẩm Đá Quý. Việc định giá Đá Quý phụ thuộc thị trường và khả năng – nhu cầu giữa 2 bên mua – bán.

7. Kết quả Kiểm Định có thể cung cấp được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm

Không có đâu các bạn nhé. Không hẳn là 100% nhưng đến 99% các trung tâm Kiểm định không có đủ khả năng cũng như TỰ TIN để đưa ra kết luận này. 99% là vì với một số khoáng vật đặc trưng chỉ có ở rất ít nơi trên thế giới thì có thể đưa ra kết luận bằng kinh nghiệm và phương pháp loại trừ. Còn đối với những khoáng vật phổ thông hơn, có thể gặp nhiều nơi trên thế giới thì rất khó có thể. Vì kết luận phải bằng tính Khoa học, có căn cứ rõ ràng, nhưng việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ này chỉ xác lập ở tầm Kinh nghiệm và đòi hỏi rất nhiều kiến thức thực tế (việc mà các chuyên viên Kiểm định ở Việt Nam đôi khi còn không bằng những người làm nghề kinh doanh lâu năm).

Phần nữa, việc khoáng vật được khai thác ở một nơi trên thế giới, sau đó được chuyển qua nơi khác (ví dụ như TQ hay Thái Lan) để xử lý, mông má, nâng cao chất lượng sản phẩm và được bán ở một nước khác thì việc này lại càng rất khó xác định.

8. Trung tâm/Công ty kiểm định chịu trách nhiệm về sản phẩm được Kiểm định

Dạo một vòng, tôi thấy ở cả HN và HCM đang có một số Phòng/TT Kiểm định mới đc thành lập (mà không có ở list dưới, tôi không tiện nêu tên), các địa chỉ này đều thiếu cả trang thiết bị lẫn chuyên môn trầm trọng, với các phương pháp tối cổ nhất có thể như kiểm định bằng cách soi đèn Pin điện thoại vào Đá (tôi không hiểu để làm gì), kiểm định bằng cách nhỏ các dung dịch Axit có tính ăn mòn mạnh vào Đá…

Cũng vì thị trường thật giả lẫn lộn nên khách hàng chọn gửi niềm tin cho các TTKĐ, coi Chứng thư kiểm định là sự đảm bảo cho sản phẩm và sẵn sàng mua nếu sản phẩm đó đã có kiểm định.

Nhưng, đã bao giờ các bạn đặt ngược câu hỏi lại rằng: nếu TTKĐ cho ra kết luận Sai, làm các bạn mất tiền mua sản phẩm không đúng giá trị nhận được thì các TTKĐ đó có chịu trách nhiệm về việc sai sót đó? Có đền bù trách nhiệm cho bạn về sự sai sót đó không?

Rất tiếc, câu trả lời là KHÔNG !

Các bạn phải hiểu rằng, đây không phải mua bán sản phẩm mà là Dịch vụ (tư vấn, kiểm tra, kiểm định), các bạn mang 1 sản phẩm nào đó đi Kiểm định tức là các bạn THUÊ các Đơn vị/TTKĐ xác nhận thông tin sản phẩm các bạn muốn biết (là đá gì? tự nhiên hay không tự nhiên?…), và việc sai sót (nếu có) thì đều do bạn chịu, vì bạn là người bỏ tiền mua nó, đó là giao dịch của bạn (người mua và người bán) mà không có sự tham gia của TTKĐ. Kết quả kiểm định của TTKĐ là sự góp mặt của TTKĐ đứng trên phương diện khoa học giữa Trung tâm KĐ – sản phẩm và người đi kiểm định và nó nằm ngoài giao dịch của các bạn, các bạn phải hiểu rõ điều đó.

Đứng trên góc độ Đơn vị kiểm định, họ cũng chỉ là những người làm công tác chuyên môn trên phương diện Khoa học mà không phải những người làm Kinh doanh, có thể xác định giá trị sản phẩm (như điều 6) cho nên không bao giờ họ có thể đền bù thiệt hại cho bạn, ngoài việc trả lại tiền (khoảng 200k) cho 1 sản phẩm ở mức độ phổ thông (nếu có), hơn nữa điều khoản ràng buộc cho việc đền bù thiệt hại do sai sót này ở 2 phía đều không rõ ràng cho nên sẽ không có đền bù nào cho bạn cả, trừ khi bạn làm cam kết với các TTKĐ trước.

Việc kiểm định Đá Quý, xem ra còn phải đặt niềm tin nhiều hơn niềm tin với cả người bán hàng nữa. Vậy cho nên, các bạn phải chọn lựa nơi đáng để đặt niềm tin, đầu tiên là ở người bán với các thông tin như:

  • Thông tin/Lịch sử hoạt động của Công ty/doanh nghiệp/cửa hàng hoặc cá nhân bán sản phẩm đó có đảm bảo uy tín.
  • Thông tin nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
  • Các cam kết – chính sách với sản phẩm bán ra.

Khi một số thông tin về người bán như trên được đảm bảo thì việc chọn TTKĐ chỉ là yếu tố phụ, là yếu tố đảm bảo tăng thêm mà thôi, và lúc này ngoài việc tiếp tục chọn lựa TTKĐ có đủ Uy tín, có phương pháp, trang thiết bị hiện đại, độ chính xác cao (với KH phổ thông gần như khó biết) thì khách hàng có thể sử dụng thêm phương pháp Kiểm định ở nhiều nơi (như điều 1) để tăng độ chính xác cho kết quả kiểm định.

 

Bài viết trên giúp bạn hiểu hơn về Kiểm định đá quý. Để đọc thêm những bài viết về phong thủy, vật phẩm, kiến thức phong thủy thì hãy theo dõi Mộc Linh Tâm.