KIẾN TRÚC VÀ ÂM DƯƠNG TRONG PHONG THỦY

Âm dương là hai mặt của sự sống. Hai mặt này tuy trái ngược mâu thuẫn nhau nhưng lại luôn thống nhất với nhau trong một thể


Âm dương và kiến trúc

  • Âm dương là hai mặt của sự sống. Âm và dương theo khái niệm cổ sơ là thuộc tính của mọi hiện tượng, mọi sự vật trong toàn vũ trụ cũng như trong từng tế bào, từng chi tiết. Âm và dương là hai mặt đối lập, mâu thuẫn thống nhất, trong dương có mầm mống của âm và ngược lại.
  • Nhất âm nhất dương chi vị Đạo. Hai mặt âm và dương tuy trái ngược mâu thuẫn nhau nhưng lại luôn thống nhất với nhau trong một thể. Như ngày và đêm, như nam và nữ. Xét trong một cơ thể thì đầu là dương, chân tay là âm, lưng (mạch đốc) là dương, bụng (mạch nhâm) là âm. Âm dương là hai thể trái ngược nhau, bài trừ lẫn nhau nhưng lại có thể chuyển hóa cho nhau. Âm thịnh sinh dương, dương thịnh sinh âm. Đó là âm dương nói chung trong vũ trụ, trời đất và con người.
  • Vậy trong kiến trúc âm dương được thể hiện như thế nào? Đâu được coi là âm, đâu là dương? Như trên đã nêu, âm dương là hai mặt của sự sống, sự đảm bảo cân bằng âm dương chính là sự đảm bảo cho cuộc sống tồn tại và phát triển. Vì vậy nhà ở cũng phải đảm bảo nguyên tắc âm dương cân bằng. Trong kiến trúc về mặt hình thể thì phần lồi ra là dương, phần lõm là âm. Phần thu được ánh sáng là dương, phần khuất tối là âm. Những mảng đặc, những khối có đường nét cứng rắn là dương, những mảng rỗng, những khối có đường nét mềm mại uyển chuyển là âm. Vật liệu thô ráp, sần sùi là âm, vật liệu nhẵn bóng mịn màng là dương. Màu sắc nóng là dương, màu lạnh là âm.
  • Kiến trúc nhà ở phải được thiết kế để đảm bảo tính cân bằng của âm dương. Nếu do kiến trúc khiến ngôi nhà đó thuần dương thì dương khí quá vượng khiến cho những người cư ngụ trong ngôi nhà đó bất ổn định, quá năng động, tinh thần dễ phấn khích dẫn tới chỗ vội vàng hấp tấp, vì thế mà sẽ hay đưa ra những quyết định thiếu chín chắn, bất lợi. Nhà ở thuần dương cũng khiến cho những người cư ngụ ở đó thích đi lại hoạt động, thích cuộc sống ở bên ngoài, không muốn về nhà (nhất lại là những người mệnh dương). Họ có thể thường xuyên vắng nhà, bù khú vui chơi với bạn bè ở ngoài mà không thích về nhà, hoặc có về cũng chỉ là đảo qua, không ở được lâu, nếu có chăng chỉ là để ngủ.
  • Ngược lại, nếu nhà thuần âm, khí âm quá vượng thường dẫn tới chỗ u mê, trì trệ, khiến cho những người sống trong ngôi nhà đó trở nên lười nhác, bảo thủ, ngại vận động lại ít chịu suy nghĩ, không quyết đoán, không dám chấp nhận đương đầu với khó khăn mà thường dễ bằng lòng với những gì mình có. Thậm chí với những người mệnh âm còn chịu sự tác động mạnh hơn khiến họ có thể trở nên yếu đuối, nhút nhát, ngại va chạm, tự ti. Ở ngôi nhà thuần âm cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều bệnh tật nảy sinh, đặc biệt là những bệnh về đường ruột, bệnh phong thấp, phù thũng, v.v…
  • Vì vậy một ngôi nhà muốn cho những người cư ngụ trong đó được phát triển bình thường và hài hòa thì ngôi nhà đó phải được đảm bảo âm dương cân bằng. Đó chính là yêu cầu số một trong kiến trúc hiện đại.
  • Trong kiến trúc trước đây người ta chỉ quan tâm tới hai yếu tố là: Giá trị sử dụng và Thẩm mỹ. Đã đến lúc một nền kiến trúc hiện đại phải xem xét lại, phải có cái nhìn và quan điểm rộng hơn, đầy đủ và hoàn thiện hơn.
  • Nguyên tắc đảm bảo hài hòa âm dương khiến cho trong thiết kế kiến trúc khi thiết kế một khối lồi ra (dương) thì sau đó lại phải trả lại bằng một khối lõm vào (âm). Khối lồi ra nên dùng vật liệu nhám, sần sùi, thô ráp để lấy thiếu âm trong thái dương như lát hay ốp chân tường bằng đá xẻ, gạch thẻ… Ngược lại khối lõm vào, hay phần thiếu ánh sáng (âm) nên dùng vật liệu láng bóng, trơn nhẵn, màu sáng, ấm để lấy thiếu dương bổ cho cái lão âm. Đó chính là một trong những giải pháp cân bằng âm dương trong kiến trúc.
  • Tính chất âm dương của từng hình thể cụ thể trong kiến trúc được xếp loại như bảng sau, theo thứ tự từ dương đến âm.

2. Âm dương theo hình thể

  • Hình tròn có tính dương cao nhất. Theo thứ tự từ trên xuống dưới tính dương giảm dần, tính âm tăng dần.
  • Những hình thể dài theo phương thẳng đứng mang nhiều âm tính hơn cũng với hình thể ấy theo phương nằm ngang. Đó là bởi vì những hình thể thẳng đứng lực ly tâm có ưu thế - lực ly tâm thể hiện tính âm còn các hình thể có phương nằm ngang lực hướng tâm có ưu thế – lực hướng tâm thể hiện tính dương.

3. Bảng xếp loại âm dương theo màu sắc

Màu sắc âm dương màu nóng, ấm là dương. Màu lạnh, mát là âm. Kiến trúc có sự chuyển tiếp của tông màu như sau đối với các màu cơ sở:

Màu Đỏ (Cực dương) - Da cam - Vàng - Lục - Lam - Chàm - Tím - Đen (Cực âm)

4. Người tính âm và người tính dương

  • Người dương tính hay âm tính đều phải phụ thuộc vào hai yếu tố: Tứ trụ (Năm tháng ngày giờ sinh) và Thể tạng.
  • Người âm tính là người trong tứ trụ đa âm. Tức can chi của năm tháng ngày giờ nhiều âm. Đặc biệt là phải có can năm và can ngày sinh âm. Thể tạng người âm tính khí chất lãnh cảm, dễ cảm nhận cái lạnh, sợ rét, da mát và hơi ướt, sắc xanh, trắng, tròng đen mắt thường nằm cao, tóc mềm tơ, lông tóc thưa và ít, hay rụng tóc, da thịt mềm, yết hầu lộ, huyết mạch yếu, tính dục kém, chóng mệt hay di tinh, phổi yếu, giọng nói nhỏ, hay bị cảm cúm, tì vị kém, đại tiện phân thường sền sệt. Dễ bị bệnh đường ruột, không hợp với các thức ăn hàn lạnh và những món ăn khó tiêu. Người thể tạng âm sức khỏe thường suy kém, tuổi thọ không cao bằng người dương tạng. Hay mắc các bệnh về phổi, dạ dày, đường ruột, bàng quang.
  • Người tính dương là người có tứ trụ đa dương. Tức can chi của năm tháng ngày giờ nhiều dương. Đặc biệt là phải có can năm và can ngày sinh dương. Thể tạng người dương tính có thân thể rắn chắc, vạm vỡ, hoạt huyết, da nóng, thân nhiệt cao, chịu được rét, sắc diện tươi sáng, tròng mắt đen nằm thấp, tóc rậm, phổi tốt, hơi thở mạnh, giọng nói to, âm vang và có sắc khí, tráng dương, ham sắc dục, tiểu tiện lợi, đại tiện thường táo, tì vị tốt, dễ tiêu hóa nhưng không hợp với thức ăn táo nhiệt, tâm tán, kích thích. Người thể tạng dương khỏe mạnh sống lâu nhưng thường hay mắc các bệnh về tim mạch, gan, thận, tì, về già hay bị huyết áp cao (hay đột tử).
  • Vậy người thuộc dương tính thì nên thiết kế công trình kiến trúc âm tính. Người âm tính nên thiết kế công trình kiến trúc dương tính để tạo ra hiệu ứng cân bằng âm dương.
  • Người lưỡng tính (cân bằng âm dương) cần phải thiết kế kiến trúc để có một ngôi nhà cân bằng âm dương. Như thế mới tạo ra sự hòa hợp tốt nhất ba yếu tố Thiên - Địa - Nhân, yếu tố tiên quyết cho sự phát triển.

 

Bài viết trên giúp bạn hiểu hơn về Kiến trúc và âm dương trong phong thủy. Để đọc thêm những bài viết về phong thủy, vật phẩm, kiến thức phong thủy thì hãy theo dõi Mộc Linh Tâm.